Thương vụ khổng lồ: Bán 400 triệu tấn biomass từ siêu cao lương, trị giá 50 tỷ USD
Mới đây, Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình thuộc Tập đoàn Xuân Thiện đã ký hợp đồng với Tập đoàn năng lượng tái sinh Shuuwakikaku – Nhật Bản, độc quyền cung cấp cho thị trường Nhật Bản 400 triệu tấn sản phẩm sinh khối (biomass) từ cây siêu cao lương, trị giá 50 tỷ USD trong giai đoạn 2018 -2038.
Đây là sản phẩm của nông nghiệp được dùng làm nhiên liệu sạch để đốt thay thế cho than đá.
Cây siêu cao lương và các sản phẩm chế biến từ loài cây này. Ảnh: Thuận Hải
Thực hiện Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Xuân Thiện là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, với mong muốn tìm ra sản phẩm mới thay thế cho nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm môi trường.
Tập đoàn Shuuwakikaku và Xuân Thiện đã mạnh dạn cùng nhau đầu tư nghiên cứu, khảo nghiệm khắp nơi trên thế giới để tìm ra loại cây sinh trưởng ngắn ngày mà tạo ra sinh khối lớn và phù hợp với nhiều loại thổ nhưỡng, khí hậu. Từ đó đã tìm ra được giống cây siêu cao lương chuyên để sản xuất sản phẩm viên nén sinh khối.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, siêu cao lương là cây trồng dễ thích ứng với các điều kiện canh tác khó khăn như khô hạn, thiếu nước tưới hoặc đất đai cằn cỗi. Về năng suất, sản lượng, siêu cao lương cho thu hoạch 3 lần trong năm, với khối lượng chất xanh lên tới 300 – 400 tấn/ha.
Bằng bí quyết của Tập đoàn Shuuwakikaku, từ giống cây trồng, chế phẩm vi sinh và công nghệ chế biến đã tạo ra sản phẩm nhiên liệu biomass với nhiệt lượng lên đến 6.000 – 6.500 kcal/kg, hoàn toàn đủ điều kiện để thay thế than đá.
Tập đoàn Shuuwakikaku đã đăng ký độc quyền công nghệ sản xuất sản phẩm này trên toàn thế giới. Đây là xu hướng năng lượng mới, làm nhiên liệu sạch của tương lai và thay thế cho nhiên liệu hóa thạch dùng cho các Nhà máy nhiệt điện, xi măng…
Tập đoàn Xuân Thiện là đối tác độc quyền nhận chuyển giao bí quyết công nghệ sản xuất, đồng thời trở thành nhà cung cấp độc quyền sang thị trường Nhật Bản cũng như toàn cầu.
Phát biểu tại Lễ ký kết hợp đồng, ông Nguyễn Văn Thiện – Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thiện cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu của đối tác, Tập đoàn đã trồng khảo nghiệm thành công cây siêu cao lương ở nhiều nơi cả trong và ngoài nước. Giai đoạn đầu, Xuân Thiện ưu tiên đầu tư xây dựng nhà máy, trồng và chế biến tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung – Tây Nguyên và một số nơi có điều kiện phù hợp. Trong những năm tiếp theo, nếu diện tích trong nước không đáp ứng đủ sản lượng theo đơn hàng đã ký, để đảm bảo chúng tôi cam kết sẽ triển khai thêm các cánh đồng của Xuân Thiện tại châu Phi”.
Ông Hideki Kurihara – Chủ tịch Tập đoàn Shuuwakikaku (người đứng bên phải)
Ông Hideki Kurihara – Chủ tịch Tập đoàn Shuuwakikaku cũng chia sẻ: “Chúng tôi đã đi tham quan, khảo sát các cánh đồng rộng lớn do Xuân Thiện quản lý. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào năng lực và kinh nghiệm của Xuân Thiện để thực hiện hợp đồng này. Tuy khác biệt về ngôn ngữ nhưng tương đồng về ý chí và tầm nhìn chiến lược lớn cho tương lai. Đến thời điểm này, trái tim của hai Tập đoàn đã cùng chung nhịp đập và tôi rất hạnh phúc về điều đó”.
Tại Lễ ký hợp đồng, ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: “Đây là hợp đồng khổng lồ, hợp đồng lịch sử về khối lượng cũng như giá trị trong việc cung cấp một sản phẩm nông nghiệp hết sức mới trong thời kỳ bùng nổ công nghệ 4.0 trong cả lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến”.
Ông Sơn cũng dành sự tin tưởng đối với các bạn Nhật Bản, đồng thời cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để hai bên vượt qua các khó khăn thách thức, thực hiện tốt hợp đồng đã ký kết.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả. Để chuyển đổi thành công, phải có hạ tầng sản xuất thuận lợi, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Trong hợp tác giữa Xuân Thiện với Tập đoàn Năng lượng tái sinh Shuuwakikaku- Nhật Bản, đã tận dụng được cơ hội khai thác tiềm năng xuất khẩu các loại nông sản của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản, vì đây là thị trường lớn, mỗi năm nước này nhập khẩu hàng trăm tỷ USD.
Với việc chuyển đổi từ các cây nông nghiệp kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất cây siêu cao lương, chế biến sâu, tập trung cơ cấu lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị quy mô lớn, phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường kết nối chặt chẽ với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu. Xuân Thiện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trong bối cảnh bùng nổ công nghệ 4.0. Hiệu quả từ thực tế đã minh chứng sự hợp tác của Xuân Thiện là hướng đi hết sức đúng đắn, đồng thời mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Minh Chính (Nông nghiệp Việt Nam)